Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô Hợp còn là người mẹ thứ hai của các học sinh dân tộc thiểu số
Cô giáo Đỗ Thị Hợp (37 tuổi) là giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học số 1 Văn Lăng, xã Văn Lăng, H.Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Gần 10 năm “trồng người” trên non cao, cô đã trải qua rất nhiều khó khăn để vận động học sinh (HS) các dân tộc thiểu số đến trường.
Trường đóng trên vùng cao, thuộc vùng đặc biệt khó khăn, có tới 81,9% HS là con em dân tộc thiểu số, nhiều em khi đi học lớp 1 vẫn chưa biết nói tiếng phổ thông. Vì thế, khi dạy học, thấy các em không hiểu được, cô Hợp đã tự mình học tiếng dân tộc để tiếp cận được HS. Giờ đây, cô dạy học bằng cả song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc) nên đã giúp HS hiểu bài và đạt kết quả tốt.
Do nhà nghèo, trường xa nên khi chưa có trường bán trú, HS bỏ học nhiều, cô đến từng nhà vận động các em đến lớp. “Nếu không vào đón đi học thì trẻ em thất học nhiều lắm. Tôi phải đến từng nhà vận động, rồi cho các em quần áo, đồ dùng học tập để động viên các em tới trường. Có một HS xóm Khe Cạn, nhà ở tít trên cao, em ấy bỏ học mà tôi không liên hệ được với bố mẹ vì họ không có điện thoại, lại không biết chữ. Tôi đi bộ lên đón và phải dùng tiếng Mông bảo không đi học khổ lắm”, cô Hợp kể. Do lớp học có nhiều dân tộc khác nhau, nhận thức của các em cũng đồng đều, nên với những em chậm tiến, cô Hợp mở lớp dạy miễn phí tại nhà để đưa các em về học.
Từ khi trường đón HS ở bán trú, ngoài việc dạy chữ cho các em, cô Hợp còn làm thay nhiệm vụ của người cha, người mẹ, bởi HS còn rất nhỏ. “Các em từ lớp 1 vừa mới chia tay trường mầm non đã phải ăn ở lại trường qua đêm cả tuần nên thầy cô phải hướng dẫn các em từ tắm gội, vệ sinh cá nhân, giặt quần áo… chăm sóc cả bữa ăn giấc ngủ hằng ngày cho các em. Tôi vừa vừa dạy học vừa kiêm cắt tóc, tắm rửa, bắt chấy cho các em...”, cô Hợp chia sẻ.
Tôi cũng không biết mình vượt qua bằng cách nào chỉ biết cứ cố gắng mỗi ngày bằng tình yêu thương học trò. Vì tôi luôn mong muốn con em đồng bào mình biết đọc, biết viết và xa hơn nữa là vào được các trường chuyên nghiệp để nâng cao dân trí
Cô Hợp cũng cho biết một số HS lớp 1, 2 xa nhà nhớ bố mẹ, gào khóc, cô dỗ dành bằng tình yêu thương để giúp các em quên nỗi nhớ nhà. Nhiều hôm HS bị ốm vào ban đêm, cô phải đưa các em đi viện cấp cứu vì gia đình các em ở xa chưa đến kịp… Ở lớp có 1 HS bị bệnh hiểm nghèo, hằng tháng phải đi bệnh viện nên không đến lớp thường xuyên được. Vậy là cô tranh thủ những ngày em không phải đi chữa bệnh, cô đến tận nhà để dạy cho em và đã giúp em lên được lớp 2.
Cô Hợp có gia cảnh cũng khó khăn. Cả hai vợ chồng cô đều là giáo viên tiểu học, nhưng chồng cô lại dạy tại một bản cao nhất tỉnh Thái Nguyên, nên việc nhà và con nhỏ cô đều cáng đáng hết.
Cô Hợp tâm sự: “Tôi cũng không biết mình vượt qua bằng cách nào chỉ biết cứ cố gắng mỗi ngày bằng tình yêu thương học trò. Vì tôi luôn mong muốn con em đồng bào mình biết đọc, biết viết và xa hơn nữa là vào được các trường chuyên nghiệp để nâng cao dân trí”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn