Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
- Thứ bảy - 24/10/2020 09:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ Việt Nam - những người chủ tương lai của đất nước. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: "Nước nhà thịnh hay suy yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên".
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Hồ Chủ tịch thường xuyên động viên tuổi trẻ phải ra sức rèn luyện tinh thần, tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà, đồng thời nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Công tác đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ chính là nhằm mục tiêu xây dựng con người mới XHCN, vì vậy phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài đáp ứng được những yêu cầu cần thiết của thời đại. Theo Người, cách mạng càng phát triển càng đòi hỏi đông đảo đội ngũ cán bộ các thế hệ, dân trí phải được nâng cao, giáo dục phải phát triển để làm nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng các thế hệ cách mạng, trong đó đặc biệt quan trọng là thế hệ trẻ.
Muốn thế hệ trẻ của chúng ta trở thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa "hồng" vừa "chuyên", thì công tác giáo dục phải tiến hành một cách toàn diện như lời Người đã dạy: "Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kinh tế, lao động và sản xuất”, Hồ Chủ tịch cho rằng, giáo dục bồi dưỡng cho thế hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức và tài năng, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Đức ở đây chính là đạo đức cách mạng, bao gồm những phẩm chất:
Trung với nước hiếu với dân: tức là tuyệt đối trung thành với Đảng với Nhân dân, quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, hết lòng phục vụ Nhân dân.
Yêu thương con người: thể hiện trong quan hệ hàng ngày với bạn bè đồng chí, là thái độ tôn trọng mọi người, có lòng vị tha trước những thiếu sót, khuyết điểm của người khác.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Cần tức là lao động cần cù, siêng năng, có kỷ luật, có năng suất hiệu quả. Kiệm tức là hết kiệm thì giờ, sức lao động, tiền của của dân, của nước. Liêm là trong sạch, không tham địa vị, tiền tài, quang minh chính đại. Chính là ngay thẳng, không nịnh trên nạt dưới, không tự cao tự đại thấy việc thiện thì làm, việc ác thì tránh. Chí công vô tư là khi làm bất cứ việc gì không nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì nên đi sau.
Có tinh thần quốc tế trong sáng: đó là tinh thần đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế, vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc hay chủ nghĩa bành trướng bá quyền.
Tài ở đây nghĩa là có tri thức đầy đủ về các lĩnh vực khoa học, có kỹ năng thực hành, có thể đảm nhiệm được những công việc mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong mỗi con người tài và đức phải được đi liền với nhau vì: "Có tài mà không có đức ví như anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì nhưng cũng không có lợi gì cho loài người". Giáo dục toàn diện nhưng phải phù hợp với trình độ, lứa tuổi phải biết kết hợp giữa lý luận và thực hành, lao động trí óc phải kết hợp với lao động chân tay vì: "Lao động trí óc mà không lao động chân tay, chỉ biết lý luận mà không biết thực hành thì cũng là trí thức có một nửa".
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Điều đó thể hiện ở sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng và xu hướng của tuổi trẻ. Từ đó đề ra những chủ trương chính sách, kế hoạch giáo dục - đào tạo cụ thể, xác thực theo tiêu chí xây dựng con người trong hến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là có kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo và con người trong thời đại kinh tế tri thức là năng lực tri thức và khả năng sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kết hợp với các tổ chức xã hội phát động nhiều phong trào hoạt động sôi nổi trên phạm vi cả nước, tiêu biểu là các phong trào: "Thanh niên lập nghiệp", "Tuổi trẻ giữ nước", "Thanh niên tình nguyện"... Từ những phong trào này, thế hệ trẻ Việt Nam được trưởng thành về mọi mặt: trình độ văn hóa, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Qua đó khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội môi trường để thế hệ trẻ đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh những tiến bộ mà thế hệ trẻ đã đạt được thì mặt trái của cơ chế thị trường trong thời kỳ mở cửa, do những thiếu sót trong công tác tổ chức, quản lý xã hội cũng như trong công tác giáo dục - đào tạo, sự thoái hóa biến chất của một số cán bộ Đảng viên đã tác động tiêu cực tới thanh, thiếu niên hôm nay. Nhiều thanh niên mất phương hướng chính trị, mất niềm tin vào lý tưởng CSCN, một số sống bàng quan vô trách nhiệm với bản thân gia đình và xã hội, lười lao động, trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, đua đòi lối sống hưởng lạc thực dụng, xa rời những đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, coi thường kỷ cương pháp luật. Điều này đã và đang trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Nghiêm túc nhìn nhận, chúng ta thấy công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh thiếu niên trong thời gian qua tuy đã có cố gắng song còn nhiều bất cập, chưa theo kịp những đòi hỏi của tình hình. Để khắc phục những tồn tại trên, các ngành, các cấp Đảng và chính quyến phải quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục. Các đoàn thể, các tổ chức xã hội phải tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, đồng thời nâng cao trách nhiệm giúp đỡ những thanh thiếu niên lầm đường lạc lối, hướng những đối tượng này vào những hoạt động hữu ích. Đặc biệt vai trò gia đình là hết sức quan trọng, ông bà, cha mẹ, anh chị phải nêu những tấm gương tốt về đạo đức, lối sống cho con em mình, bầu không khí êm ấm, hòa thuận trong gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em. Giáo dục gia đình có tác động mạnh mẽ tới sự hình thành nhân cách con người. Nhân cách tốt sẽ là nền tảng vững chắc để thế hệ trẻ vững vàng trên con đường sự nghiệp của mình. Một khi có đầy đủ cả đức lẫn tài tuổi trẻ hoàn toàn có thể gánh vác sứ mệnh lịch sử là người chủ tương lai của nước nhà.
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, bền bỉ, nhưng dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta nhất định thực hiện thành công để các thế hệ trẻ cùng: "Giúp sức vào xây dựng một nước nhà tốt đẹp - một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".