Trang thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bắc Trà My

https://tuoitrebactramy.vn


Những 'hạt giống đỏ'

Những chàng trai cô gái người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng được Đoàn kinh tế - Quốc phòng 207 (gọi tắt Đoàn 207, đóng ở xã La Êê, Nam Giang, Quảng Nam) tuyển chọn vào Đội Trí thức trẻ tình nguyện vùng biên để đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Sau 2 năm sống trong môi trường quân ngũ, những “hạt giống đỏ” sẽ về những bản làng ươm mầm cho những dự án, mô hình phát triển kinh tế nơi vùng biên.
Những 'hạt giống đỏ'

Những cử nhân nuôi lợn, chăn bò

7h sáng, ALăng Oanh, 27 tuổi với khuôn mặt xinh xắn, trong bộ đồ bảo hộ đánh từng hồi kẻng để gọi đàn lợn về ăn nơi trại lợn giống của Đoàn 207. Nghe tiếng kẻng, đàn lợn sọc dưa (giống lai phối giữa lợn nhà và lợn rừng) chạy về, hếch miệng chờ ăn. Oanh và 3 bạn trẻ khác nhanh chóng trộn thức ăn, đổ ra máng lớn. Công việc của Oanh và nhóm bạn hàng ngày chăm sóc đàn lợn, đàn bò lên đến cả trăm con.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Pa Lan (xã La Êê), từ nhỏ Oanh là cô gái chăm ngoan học giỏi. Tốt nghiệp THPT, Oanh thi đậu vào Đại học Nông lâm Huế, ngành Thú y. Sau 4 năm, cầm tấm bằng cử nhân đi xin việc nhưng không được. Đang lúc thất vọng thì Đoàn 207 có đợt tuyển chọn nhân lực cho dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng”. Tháng 7/2021, Oanh nhận được quyết định trúng tuyển vào đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn 207 và khăn gói lên đường đến với môi trường quân ngũ, sinh hoạt, ăn ở như một quân nhân. Mọi chế độ, Oanh và các tình nguyện viên khác đều được hưởng theo bậc học và hệ số lương cơ bản. “Về đây gần nhà lại làm chăn nuôi đúng sở trường nên em rất vui. Ở Đoàn 207, em được đào tạo thực tế về kỹ thuật chăn nuôi khoa học, hiệu quả. Đây là cơ hội để em có thêm nhiều kinh nghiệm để mai mốt thử thách lập nghiệp”, Oanh chia sẻ.

Khác với Oanh, Brao Thị Bích Khương (23 tuổi), tốt nghiệp ngành Quản lý Nhà nước (Đại học Quy Nhơn). Không ai nghĩ rằng, ra trường cô gái trẻ này lại về gắn bó với ngành chăn nuôi. Được tuyển vào đội Trí thức trẻ, hàng ngày nuôi lợn, chăn bò Khương vẫn dí dỏm đùa: “Vẫn đúng sở trường. Học xong, quản lý cả đàn lợn 100 như này đâu có dễ”.

“Được sống và làm việc trong môi trường quân đội, chúng em trưởng thành lên rất nhiều. Đây là nơi rèn luyện thử thách bản lĩnh, trí tuệ, nhiệt tình của tuổi trẻ, qua đó tự khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm công tác, để sau này gắn bó với nhân dân vùng khó khăn, gian khổ”, Khương chia sẻ.

Cùng trúng tuyển một đợt với Oanh, Khương, chàng trai ALăng Hoánh (25 tuổi) tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng cười đùa: “Em vào đây có nhiệm vụ luyện cho lũ lợn vận động, thể dục để thịt thơm ngon. Chăn nuôi khoa học mang lại nguồn thu lớn. Sau này em sẽ lập trang trại riêng cho mình”.

Những 'hạt giống đỏ' ảnh 1

Những trí thức trẻ tình nguyện ở Đoàn 207 Ảnh: Nguyễn Thành

Trung tá Hoàng Thanh Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật vật tư (Đoàn 207) là người gắn bó với các đội Trí thức trẻ tình nguyện nơi vùng biên cả chục năm nay. Anh cho biết: Giai đoạn 2010 -2020, qua 5 đợt tuyển chọn đã tiếp nhận 107 đội viên Trí thức trẻ tình nguyện. Hiện nay, số lượng này đã về lại các địa phương dọc tuyến biên giới ở Nam Giang, Tây Giang và Phước Sơn, họ trở thành những hạt giống ươm mầm cho những mô hình, dự án của đơn vị. Nhiều em đã làm ăn và phát triển kinh tế gia đình và là điển hình của các địa phương.

“Các bạn là những người trẻ, con em người địa phương đã được ra phố học tập, có kiến thức, có lý tưởng và ước mơ, hoài bão. Anh em đơn vị sẽ cùng tay nhóm lên ngọn lửa nhiệt huyết tuổi trẻ, ước mơ khởi nghiệp làm giàu ngay chính quê hương, để miền biên cương thêm tươi mới”, anh Hải chia sẻ.

Nhân niềm tin, thêm điểm tựa

Được cán bộ chiến sĩ Đoàn 207 và đội ngũ Trí thức trẻ “cầm tay chỉ việc” gia đình A Lăng Rơng (50 tuổi, thôn Pa Lan) trở thành một trong những điển hình làm ăn giỏi ở xã vùng biên La Êê. Hơn 3 năm trước, dưới sự kèm cặp và hướng dẫn của cán bộ chiến sĩ và đội tri thức trẻ vùng biên, ông Rơng đã được cấp giống, vốn để làm chuồng trại chăn nuôi lợn. Ngoài ra, gia đình ông cũng được thí điểm trồng giống cam Vinh. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình kinh tế hộ gia đình ông đã có thu nhập, cải thiện cuộc sống.

“Nhờ có anh em và các bạn tình nguyện viên tận tình mà tôi và gia đình mới thay đổi được cách làm ăn. Từ chỗ làm không đủ ăn, nay đã có thể dôi dư, đủ điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Dịp Tết vừa rồi, nhà mình đã bán được một đàn heo thịt, giắt lưng một lúc mấy chục triệu đồng”, anh Rơng nói.

Những 'hạt giống đỏ' ảnh 2

Cán bộ chiến sĩ Đoàn 207 và những trí thức trẻ bên mô hình vườn cam Vinh của gia đình ông A Lăng Rơng

Đại tá Văn Phú Diệp, Đoàn trưởng Đoàn 2017 thông tin: Đứng chân trên địa bàn 3 huyện Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn, nơi sinh sống chủ yếu của bà con đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, Tà Riềng... Hơn 13 năm qua, kể từ ngày thành lập, cùng với các lực lượng khác như Bộ đội Biên phòng, Công an và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Đoàn đã giúp đồng bào nơi đây từng bước thay đổi nhận thức, từ bỏ thói quen đốt nương làm rẫy, từ bỏ hủ tục lạc hậu; xây dựng phát triển kinh tế. Đó là cả một quá trình dài thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm của người dân mới có những kết quả, mô hình như ngày hôm nay.

“Nhờ sức trẻ, lòng nhiệt huyết, cùng với những kiến thức khoa học được đào tạo, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện vùng biên đã phát huy tốt vai trò, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 207 để cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với đồng bào, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn”. Đại tá Diệp khẳng định

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết: Các xã vùng biên giới Nam Giang đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Những năm qua, chính quyền địa phương cùng với quân đội, biên phòng và đội Trí thức trẻ vùng biên đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người nâng cao dân trí, xây dựng, phát triển những mô hình kinh tế để từng bước xóa đói giảm nghèo. “Là người địa phương, đội ngũ Trí thức trẻ vùng biên đã tạo được lòng tin, sự quý mến của bà con các dân tộc. Miền biên cương đã có nhiều đổi từ những cách làm hay, đầy sáng tạo. Những hoạt động thiết thực đã nhân lên niềm tin, tạo thêm nhiều điểm tựa cho bà con thoát nghèo”, ông Sơn nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây