Qui định của Bộ Luật Hình sự và Luật An ninh mạng về xử lý hình sự người tung tin giả

Thứ ba - 25/07/2023 23:06

Qui định của Bộ Luật Hình sự và Luật An ninh mạng về xử lý hình sự người tung tin giả

Nghiên cứu các qui định pháp luật hình sự và pháp luật về an ninh mạng cho thấy có đủ các qui định để có thể xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau đối với người tung tin giả gây thiệt hại nghiêm trọng đối với Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Pháp lý, TS.LS. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, dù vô tình hay cố ý thì hành vi tung tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội và hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau như tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet...

photo-collage-1657594254.png
Cần xử lý hình sự đối với người tung tin thất thiệt (Ảnh minh hoạ)

Dưới góc độ pháp lý, TS. LS. Đặng Văn Cường cho rằng, về nguyên tắc thì tất cả những hoạt động của các tổ chức cá nhân trên không gian mạng phải tuân thủ quy định của hiến pháp và pháp luật Việt Nam, trong đó có quy định của luật an ninh mạng, quy định của bộ luật dân sự, luật tiếp cận thông tin, luật an toàn thông tin mạng và các văn bản pháp luật khác có liên quan…

Điểm đ, khoản 1, Điều 8, Luật an ninh mạng quy định về các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".

Ngoài ra , Điều 9, Luật an ninh mạng cũng quy định: "Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.".

Hành vi đưa tin giả mạo, sai sự thật lên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của luật an ninh mạng, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định:

Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng theo LS. Đặng Văn Cường, trong môi trường đầu tư giai đoạn hiện nay thì những tin đồn ác ý là rất tai hại, có thể ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhiều tổ chức, cá nhân. Thông tin giả về người khác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của nạn nhân, đặc biệt là với người nổi tiếng thì thiệt hại đối với cá nhân, gia đình và sự nghiệp của họ là không thể lường trước được.

Bởi vậy, dù vô tình hay cố ý thì hành vi đưa tin giả về những người nổi tiếng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người đưa thông tin sai sự thật trong trường hợp này hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự về nhiều tội danh khác nhau như tội vu khống, tội làm nhục người khác, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tội đưa thông tin trái phép trên mạng internet... LS Đặng Văn Cường nhận định.

1-1657594297.jpg
TS. LS. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Theo LS Cường, việc đưa ra những thông tin tiêu cực giả mạo, biết rõ là sai sự thật về người khác là hành vi vu khống. Nếu người bị vu khống có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đưa ra thông tin sai sự thật trong trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 bộ luật hình sự, với mức hình phạt cao nhất có thể tới 07 năm tù.

Ngoài ra hành vi vu khống mà gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người khác, gây thiệt hại đến sức khoẻ, tài sản của người khác, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác thì người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự.

Trong trường hợp người bị vu khống, bị tung tin đồn thất thiệt không có đơn trình báo, không yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc xem xét xử lý nhưng những thông tin đưa lên mạng xã hội được xác định là sai sự thật, gây tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội thì cơ quan điều tra vẫn vào cuộc xác minh làm rõ. Đồng thời, Cơ quan điều tra sẽ đánh giá những hậu quả hệ lụy tiêu cực cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật để có căn cứ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, trong trường hợp hành vi được xác định là đưa thông tin bị cấm nên không gian mạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì dù không có đơn trình báo của người bị hại, người vi phạm cũng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại điều 331 bộ luật hình sự với chế tài có thể tới 07 năm tù.

Hành vi đưa những thông tin bị cấm lên không gian mạng mà gây ra những hậu quả hệ lụy tiêu cực cho xã hội thì người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với chế tài có thể tới 12 năm tù. LS Đặng Văn Cường thông tin.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc tiếp cận thông tin của người dân cần phải có những hiểu biết, kỹ năng cần thiết. Người đưa những thông tin lên mạng xã hội lại càng phải thận trọng bởi việc đưa thông tin lên mạng xã hội hiện nay rất đơn giản. Chỉ cần một thiết bị thông minh phải có kết nối internet và một tài khoản mạng xã hội là người dùng có thể đưa bất cứ thông tin gì nên không gian mạng mà không cần bị các cơ quan chức năng kiểm duyệt.

Tuy nhiên người đưa thông tin phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với toàn bộ nội dung thông tin của mình. Trường hợp đưa thông tin là tin giả mạo, sai sự thật do vô ý hoặc cố ý đưa những thông tin giả mạo nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì người đưa tin phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Bởi vậy việc sử dụng mạng xã hội là rất dễ nhưng sử dụng đúng, tuân thủ pháp luật là không dễ. Đặc biệt với những người háo danh, hiếu kỳ, vì lợi ích vật chất mà bất chấp pháp luật, coi thường pháp luật thì rất dễ trở thành nạn nhân của mạng xã hội, có thể vướng vào lao lý vì đưa tin trên mạng xã hội không đúng sự thật.

Thời gian qua, nạn tin giả chưa thuyên giảm mà còn có chiều hướng tăng. Một số đối tượng bất chấp pháp luật tung tin giả gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tới uy tín và tiền của của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Thiết nghĩ cơ quan điều tra cần có chế tài xử lý mạnh tay – xử lý hình sự, phạt thật nặng một số đối tượng để răn đe.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây