Khái niệm về chuyển đổi số
Hiện nay, có rất nhiều quan điểm giải thích về chuyển đổi số. Do vậy rất khó định nghĩa một cách rõ ràng về chuyển đổi số, bởi quá trình này có thể sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực.
Tuy nhiên có thể giải thích một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số ngày càng được phát triển và phổ biến rộng rãi, nó được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được áp dụng nhiều nhất trong doanh nghiệp và trong các cơ quan nhà nước.
Thực thi quyền lực nhà nước và những thách thức đặt ra từ quá trình chuyển đổi số
Quyền lực nhà nước được xem là khả năng của Nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội phải phục tùng, dựa trên những ưu thế mà Nhà nước có được so với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Quyền lực nhà nước được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, pháp luật. Các cơ quan nhà nước “được tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật, nhân danh nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước”(1) và “chỉ có cơ quan nhà nước mới có quyền nhân danh cả nhà nước để thực thi quyền lực nhà nước”(2) hoặc “chỉ cơ quan nhà nước mới được giao quyền nhân danh nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước”(3).
Công cuộc chuyển đổi số hiện nay cũng đặt ra những thách thức chung trong quá trình thực thi quyền lực nhà nước, đó là:
Thách thức đối với vấn đề giải quyết việc làm (quản lý thất nghiệp)
Việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng trong công cuộc chuyển đổi số đã khơi lại nỗi ám ảnh về nạn thất nghiệp. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, những chuyển đổi hiện nay đang ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp toàn cầu, đặc biệt là liên quan đến công việc vì khoảng cách giữa các công việc thiết yếu, sáng tạo với công việc giản đơn, mang tính dây truyền; giữa lao động chất lượng cao với lao động mang tính kỹ năng ngày càng nới rộng. Các công việc giản đơn, mang tính dây truyền ngày càng bị thay thế bởi tự động hóa, rô bốt hóa. Điều này tất yếu dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp sẽ cao, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, nơi mà lao động thủ công, lao động giản đơn, lao động tay nghề thấp vẫn đang chiếm tỷ lệ chủ yếu (World economic forum, 2016).
Thực tế, chính phủ các nước đang phải đấu tranh quyết liệt để hạn chế tỷ lệ thất nghiệp cao, nhất là các nước đang phát triển, ví dụ Chính phủ Nam Phi phải gánh chịu một đòn nặng nề khi đất nước đang vật lộn với tỷ lệ thất nghiệp cao 26% theo dữ liệu tài khoản quốc gia (Thống kê Nam Phi, 2018). Các hệ thống đổi mới và cộng đồng tri thức hiện thời đã cung cấp đầy rẫy các hướng dẫn trí tuệ cần thiết cho phát triển và ứng dụng các sáng kiến thông minh, kỹ thuật số (Abdoullaev, Azamat. 2016). Tư duy-hành động điện tử (kỹ năng điện tử và kiến thức điện tử) được xác định là cơ bản trong sự thành công của cái gọi là xã hội thông minh – Smart Society (Manda, Ickson và Backhouse, Judy. 2016: 228-240). Sự sẵn sàng về các yêu cầu ấy (tri thức và kỹ năng điện tử) quyết định việc công dân có khả năng tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế - xã hội trong xã hội thông minh hay không (Manda, Ickson và Backhouse, Judy. 2016: 228-240). Mức độ sẵn sàng đáp ứng rất thấp của công dân ở các nước đang phát triển đang là một trở ngại lớn trong việc chuyển đổi sang xã hội thông minh, tất yếu dẫn đến thất nghiệp, tạo ra vấn đề nan giải đối với các chính phủ hiện nay trong thực thi quyền lực quản trị xã hội.
Thách thức đối với việc quản lý khu vực doanh nghiệp
Cùng với sự phát triển của khoa học nghệ, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thích ứng, tận dụng cơ hội và nền tảng công nghệ mới, nhiều mô hình, dạng doanh nghiệp mới với các phương thức kinh doanh mới (ứng dụng công nghệ mới, sử dụng phần mềm, thương mại điện tử, v.v…) được hình thành. Các mô hình kinh doanh mới này đang khiến nhiều chính phủ phải vật lộn để tìm giải pháp thích ứng. Khi các loại hình này phát triển hơn nữa, chính phủ cần phải chuẩn bị tốt hơn để có thể tái cấu trúc thể chế quản lý, tránh tình trạng lũng đoạn, chuyển giá, trốn thuế,… hoàn toàn có thể xảy ra và gây thất thoát cho nhà nước – một trong những nguyên nhân của cái gọi là nhà nước thất bại. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã ứng dụng linh hoạt thành tựu mới của khoa học công nghệ để tiến hành "chuyển giá" rất tinh vi trong các lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, cho đến dịch vụ, du lịch; trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh - đặt ra áp lực mạnh mẽ lên các cơ quan thuế và cơ quan quản lý khác của nhà nước. Ở một phương diện khác, các doanh nghiệp là các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia, với lợi thế về tiềm lực tài chính-nhân lực-R&D (nghiên cứu và phát triển)… đã nhanh chóng ứng dụng, thậm chí lợi dụng chuyển đổi số, tạo ra những bứt phá thần kỳ; bên cạnh đó, cũng tạo ra rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại liên quan đến dịch chuyển dòng vốn và chuyển giá. Các nước đang phát triển có nhu cầu rất lớn về vốn và thường kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các tập đoàn này, những thành tựu mà khu vực này đóng góp là không thể phủ nhận, ví như góp phần chuyển giao các công nghệ hiện đại, truyền bá kinh nghiệm quản lý hiện đại và góp phần rèn luyện nên đội ngũ công nhân lao động lành nghề, v.v… cho các nước đang phát triển, tuy nhiên, những thách thức đối với chính phủ các nước cũng rất lớn liên quan đến năng lực, trình độ quản lý.
Thách thức đối với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin
Thường thì do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin kém, do đó, hầu hết chính phủ ở các nước đang phát triển gặp khó khăn trong nỗ lực thực hiện chuyển đổi số. Ví dụ, sự thâm nhập băng thông rộng ở các nước đang phát triển vẫn còn thấp so với các nước, các nền kinh tế phát triển - nơi được coi là dẫn đầu về băng thông rộng và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khác. Thâm nhập băng thông rộng là một trong những điều kiện để chuyển đổi sang xã hội thông minh – xã hội được dẫn dắt bởi kết nối kỹ thuật số, công nghệ tiên tiến, kỹ năng, tri thức và sáng tạo. Hạ tầng công nghệ thông tin liên quan đến các nội dung chính như chính phủ điện tử, quản lý xã hội thông minh, quản lý nền kinh tế kỹ thuật số - thương mại điện tử… đang là những thách thức vô cùng lớn đối với các chính phủ trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Thách thức đối với năng lực thích ứng và tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước
Tính thứ bậc và mệnh lệnh hành chính là một chuẩn mực mang tính đặc trưng riêng có của bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Tính thứ bậc không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa trung ương – địa phương, cấp trên – cấp dưới, mà còn thể hiện ở cả sự phân định rành mạch, rõ ràng về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công. Tính thứ bậc là chuẩn mực quan trọng để đảm bảo cho bộ máy ấy vận hành một cách thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả, tuy nhiên, đó cũng chính là một trong những rào cản đối với những yêu cầu, đặc trưng mới của công cuộc chuyển đổi số này – đó là tính đột phá, tốc độ, sáng tạo, điện tử, v.v… Với thực tế ấy, năng lực ứng dụng công nghệ mới và lề lối, tác phong làm việc hiện đại, năng động của đội ngũ lãnh đạo đang được đặt ra như một trở ngại hiện hữu đối với các chính phủ năng động, hiệu quả ngày nay.
Thách thức trong việc bảo đảm an ninh, an toàn và trật tự xã hội
Vấn đề đảm bảo an ninh đang đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với chính phủ các nước trong thời đại chuyển đổi số. Trước những biến đổi của công nghệ, các vấn đề về an ninh tư tưởng, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị như "không gian mạng", "chiến tranh mạng", "chủ quyền không gian mạng", "tội phạm công nghệ cao", "truyền bá tư tưởng"…; cho đến an ninh, trật tự xã hội được đặt ra một cách cấp thiết. Những áp lực mới đối với chính phủ liên quan đến giải quyết các vấn đề xã hội mới nảy sinh; tương tác xã hội yếu (quá lệ thuộc vào máy móc, công nghệ) dẫn đến gia tăng bệnh trầm cảm, bất bình đẳng, tội phạm xã hội mới… rất khó kiểm soát. Đây là những vấn đề nan giải, mặt trái của sự phát triển công nghệ số đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06. Ảnh VGP |
Thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài những thách thức chung từ quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, với những đặc trưng đặc thù nhất định về lịch sử, văn hóa, hệ tư tưởng cũng như cách thức tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước riêng biệt nhất định, quản lý nhà nước ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức như sau:
Thách thức đối với việc đổi mới tư duy và hành động ứng phó trong quản lý nhà nước
Đây là thách thức mang tính trực diện và tiên quyết trong đổi mới, cải cách tổ chức thực thi quyền lực nhà nước thích ứng với biến đổi của thời đại. Trong bất kỳ sự đổi mới nào, đổi mới về tư duy là quan trọng và sẽ khởi đầu cho các đổi mới liên đới như đổi mới thể chế hay tổ chức bộ máy. Trong bối cảnh hiện nay, đối tượng của thực thi quyền lực nhà nước là doanh nghiệp, người dân và xã hội đã thay đổi nhanh chóng bởi sự ứng dụng chuyển đổi số, từ đó đặt ra những yêu cầu mới về tư duy và cách ứng phó đối với chủ thể quản lý. Cách tư duy cũ "cái gì phức tạp, cái gì không quản lý được thì cấm" không còn phù hợp, tuy nhiên, cũng không có mô hình ứng xử chung nào trên thế giới có thể áp dụng rộng khắp, mỗi quốc gia có quan điểm và cách thức ứng xử riêng (có nước thì cấm, có nước cho phép, nhưng có nước lại khuyến khích).
Trong quản lý xã hội, những cụm từ "xã hội mở", "xã hội thông minh", "công dân toàn cầu"… đã không còn xa lạ, vấn đề là quản lý hành chính/cung cấp dịch vụ công/huy động nguồn lực đối với những đối tượng như thế đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ, bắt đầu từ tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. Những quan điểm "mệnh lệnh hành chính bắt buộc", quan điểm "xin cho, nguyên tắc" hay "xử phạt, cấm đoán" cần chuyển mạnh sang cách tư duy và hành động mang tính linh hoạt và mềm dẻo hơn như "đối thoại, đàm phán, hợp tác, kết nối". Tuy nhiên, những bước chuyển như thế lại không dễ dàng trong thực thi quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay.
Thách thức đối với việc xây dựng một nền quản trị nhà nước hiện đại
Trong công cuộc đổi mới, mục tiêu cải cách nền quản trị công ở Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều Văn kiện, Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng cho đến các Chương trình, Đề án của Chính phủ, mục tiêu có thể rất nhiều nhưng mục tiêu bao quát nhất là hướng đến một nền quản trị hiện đại. Tiêu chí để đánh giá một nền quản trị nhà nước hiện đại có thể được thiết lập từ rất nhiều căn cứ khác nhau, căn bản có thể dựa trên ba phương diện để đánh giá: thứ nhất, có bộ máy hành chính hiện đại (trọng tâm là cơ quan hành chính ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng thông tin - tức chính phủ điện tử, chính quyền điện tử); thứ hai, có con người hiện đại (năng lực ứng dụng, thích ứng với khoa học, công nghệ thông tin của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước); thứ ba, có cơ chế, thể chế hiện đại (hệ thống quy định, nền tảng pháp lý, các nguyên tắc vận hành,v.v…). Cả ba phương diện trên đều đang đặt ra những thách thức lớn trong tiến trình cải cách quản trị nhà nước thích ứng với công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay.
***
Công cuộc chuyển đổi số đã đặt ra những thách thức rất lớn đối với thực thi quyền lực nhà nước nói chung, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh những thách thức mang tính phổ quát (quản lý thất nghiệp; quản lý doanh nghiệp; hạ tầng thông tin) thì nổi lên những thách thức về đổi mới tư duy quản lý và xây dựng nền quản trị công hiện đại đối với Việt Nam hiện nay. Những thách thức ấy đòi hỏi phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về tâm thế và năng lực của Nhà nước để thích ứng và đổi mới. Để có được một hệ thống các giải pháp xác đáng và hiệu quả, cần thiết phải có những nghiên cứu và quyết sách dựa trên các khảo sát về nhu cầu, thực trạng, đánh giá được những hạn chế yếu kém và nguyên nhân… một cách bài bản và quy mô./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn