Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, hiện nay công tác chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế tiếp tục được quan tâm, nhất là thể chế phục vụ cho chuyển đổi số trong thực hiện TTHC. 100% các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kịp thời ban hành kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, 67/76 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC (chiếm tỷ lệ 88,2%); 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC
Liên quan đến việc đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thực hiện Đề án 06, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC…
9 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân…
Hiện nay, có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh tích hợp thay thế thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử đạt 98,2%; thực hiện đồng bộ, làm sạch dữ liệu của hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với công tác đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, đã có 10 bộ, 47 địa phương thường xuyên công khai kết quả đánh giá, nhất là danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93%, của bộ, ngành đạt 76,6%.
Kết luận tại phiên họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, từng cấp, từng ngành phải xem đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp là xu thế tất yếu. Nhiệm vụ này có thể mới với nước ta nhưng đối với các nước phát triển là việc bình thường. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh các giải pháp nhằm huy động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tham gia thực hiện các nội dung chuyển đổi số trong thực hiện TTHC.
Vấn đề cơ sở dữ liệu hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ hay việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết TTHC theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất hạn chế (9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 3%). Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, các địa phương phải tăng cường công tác phối hợp, xác định rõ trách nhiệm, không tái diễn tình trạng trách nhiệm chung chung, không cụ thể, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm.
“Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận, vấn đề khó mà vẫn cách tiếp cận cũ thì không thể thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Phải đồng bộ về hệ thống, linh hoạt trong cách xử lý ở từng bộ, ngành, địa phương, nhất là sự sâu sát của người đứng đầu. Đặc biệt, vấn đề nguồn nhân lực, sử dụng con người trong thực hiện đổi mới TTHC phải được đặc biệt quan tâm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn