PHÒNG, CHỐNG TIN GIẢ, TIN SAI SỰ THẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thứ năm - 02/11/2023 15:35
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, những năm gần đây, xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tin giả trên không gian mạng thường có những dấu hiệu nhận biết sau: Tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề nóng mà mọi người quan tâm; Thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; Thông tin xuất hiện từ các trang web, tài khoản, kênh nội dung trên mạng xã hội thường xuyên tung tin giả, hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.

Tin giả được tạo ra như thế nào?

Tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi như làm giả tiếng, giả hình, giả video và xuất hiện dưới dạng video, clip ngắn trên YouTube, TikTok hoặc bài viết trên Facebook được trình bày giống như một tin báo chí,... Giả hình là sử dụng công nghệ cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức giả. Giả tiếng là sử dụng công nghệ TTP (công cụ chuyển văn bản thành tiếng nói - text to speech) để tạo ra các cuộc gọi tự động với giọng robot thu sẵn. Từ nhiều năm trước đã có những người sử dụng công nghệ này để thay họ đọc thông tin, tin tức do họ “xào nấu” ra. Hiện nhiều người đang dùng công nghệ này cho các chương trình trên YouTube. Giả video được thực hiện bằng cách cắt ghép hình ảnh người dẫn chương trình lồng vào dẫn bản tin giả. Clip giả nhưng có người dẫn chương trình sống động như thật. Loại hình ảnh giả này “buộc” người xem nghĩ đó là những thông tin thật vì có hình ảnh quen mặt của người dẫn chương trình truyền hình.

Tin giả tác động đến công chúng bằng cách nào?

Tác động đến tâm lý người tiếp cận: Việc tạo cảm xúc khác thường cho công chúng là tác động tâm lý đầu tiên của người dùng khi tiếp cận với tin giả. Công chúng thường có thói quen lướt qua và xem nhanh những tin tức được bạn bè và các fangage đăng tải trên mạng xã hội. Người dùng sẽ dừng lại ở những tin gây sự chú ý đặc biệt đối với họ. Đọc, bỏ qua, hoặc thích, chia sẻ, rồi tiếp tục đọc những tin tức khác mà “quên” phân tích nội dung hay kiểm chứng thông tin. Đó là thói quen của đại bộ phận người dùng mạng xã hội. Người dùng sẽ dễ bị “dụ dỗ” đọc những tin tức tạo cho họ cảm xúc mạnh và dễ tin vào nó. Công chúng khi tiếp xúc với tin giả có chủ đề mà họ quan tâm, họ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng chủ yếu sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như: ngạc nhiên, buồn phiền, tức giận, phẫn nộ...

Tác động đến hành động người tiếp cận: Với Internet và mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ tin tức bằng việc bày tỏ cảm xúc (nhấn nút thích, thả tim,...) hoặc bình luận, gắn tên (tag) bạn bè, chia sẻ (share) thông tin. Đối tượng lan truyền tin giả (có chủ đích) hiểu công chúng thường tin và chia sẻ những thông tin đến từ bạn bè họ quen biết hoặc nguồn tin nhận được nhiều lượt tương tác.

Trên cơ sở những tác động tâm lý ban đầu khi tiếp xúc với tin giả, công chúng bị thôi thúc thể hiện quan điểm cá nhân với tin tức đó bằng việc tương tác (thích, bình luận, chia sẻ…) mà bỏ qua việc xác định nguồn tin. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội cho tin giả được lan truyền rộng rãi.

Tin giả, tin đồn thất thiệt có thể gây thiệt hại về mặt kinh tế rất lớn, làm mất niềm tin vào các định chế lớn, làm tổn hại uy tín, mất hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế trong những giai đoạn nhạy cảm...

Tin giả được phát triển trên cơ sở những vấn đề “nóng, nhạy cảm”, gây hoang mang, nghi ngờ, mất niềm tin vào cán bộ, hệ thống lãnh đạo các cấp, ví dụ như các vấn đề về công tác nhân sự, tác động đến tâm lý cử tri, gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ cấp cao từ đó ảnh hưởng an ninh quốc gia theo nhiều góc độ khác nhau. Trước mỗi kỳ bỏ phiếu, bầu cử, tin giả xuất hiện dày đặc gây nhiễu loạn thông tin, khiến người dân lần đầu có thể không tin nhưng lần thứ 2, thứ 3 thì cũng phải nghi ngờ.

Công nghệ phát tán, chia sẻ tin giả đan xen trên nền tảng các mạng xã hội nhanh tới mức người ta không còn phân biệt được đâu là tin gốc, đâu là tin dẫn lại. Tin giả gây hiểu nhầm về các vấn đề về sắc tộc, tôn giáo, vùng miền có thể làm gia tăng căng thẳng, thậm chí tạo ra bạo lực, bất ổn an ninh - xã hội.

Hướng dẫn nhận biết tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng

Với vô số những luồng thông tin được tiếp cận hàng ngày trên không gian mạng, công chúng dễ bị rơi vào tình trạng “rối loạn thông tin”, do đó, mỗi người cần tự trang bị cho bản thân khả năng chọn lọc thông tin để xác định đâu là tin xác thực, khách quan cần được tích cực lan truyền; đâu là tin giả, tin sai sự thật cần được đính chính, loại bỏ. Một số dấu hiệu nhận biết tin giả:

1. Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả:

- Nguồn tin: Cần cảnh giác với thông tin đến từ website không rõ nguồn gốc, không xác thực hoặc từ tài khoản/kênh nội dung/nhóm không theo dõi thường xuyên, ít tương tác hoặc ít bạn bè chung.

- Đối chiếu với báo chí chính thống để kiểm chứng tin nguồn: Để nhận được những thông tin chính xác, cần tham khảo thêm tin tức trên truyền hình hoặc từ những trang báo uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và có thương hiệu hoặc từ các cổng/trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan nhà nước.

2. Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết:

Tin giả còn có thể xuất hiện dưới dạng hình ảnh hoặc bằng cách gắn đường liên kết sai, không liên quan tới nội dung bài viết. Nhiều đối tượng thường tìm cách lồng ghép, chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung bài viết. Do đó, cần kiểm tra xem hình ảnh có tồn tại trên không gian mạng không, đường dẫn liên kết có đúng với nội dung bài viết đăng tải không cũng như đường dẫn liên kết tới trang có nguồn gốc rõ ràng, uy tín hay không.

3. Kiểm tra thời gian:

Những bài viết đăng tải tin giả, tin sai sự thật thường được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải. Người dùng cần cảnh giác với những tin tức cũ, được đăng lại vì chưa chắc nội dung này có liên quan tới sự việc hiện tại.

4. Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn:

Tin giả đa phần được xây dựng dựa trên một sự kiện, câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được làm giả ở những nội dung mấu chốt và có tiêu đề “giật gân”, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định nhằm hấp dẫn, thu hút sự chú ý của người đọc.

Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung xem thông tin đó là tin tức thật, hay chỉ là câu chuyện phiếm, trò đùa của người đăng. Giới hạn phân định giữa tin giả, thông tin bịa đặt và lời nói đùa, câu chuyện chế hài ước mang tính giải trí là rất mơ hồ, nên cần tìm hiểu, xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả, liệu có phải là tài khoản, trang thường xuyên đăng thông tin chưa kiểm chứng không. Những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên nhân vật, địa phương, thời gian cụ thể,… không. Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh… cụ thể, người đọc cần thận trọng khi tiếp nhận.

5. Đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng:

Khi nhận thấy nguồn tin không đáng tin cậy, có thể tham khảo các tin, bài có nội dung tương tự trên các trang chính thống, uy tín để đối chiếu. Nếu thông tin khó kiểm chứng, có thể hỏi ý kiến của các chuyên gia liên quan đến lĩnh vực đó hoặc những người có kinh nghiệm trong việc xác thực tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Trường hợp phát hiện thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Đặc biệt, người dùng mạng xã hội cần lưu ý khi lựa chọn thông tin đăng tải. Trước khi tương tác, bình luận, chia sẻ thông tin nào đó, cần cân nhắc xem thông tin đó có hữu ích cho bạn bè, cộng đồng hay không, chỉ nên chia sẻ những thông tin xác thực, chính thống, để bạn bè, người thân được tiếp cận với những thông tin hữu ích, chính xác không nên chia sẻ những thông tin tiêu cực, nhất là thông tin gây hoang mang, bất an, chưa được xác thực khiến cho người đọc bị tác động xấu đến tâm lý, suy nghĩ.

Nguồn tin: Nguyễn Thanh Tùng - Phòng VHTT huyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây