Bí thư Đoàn xã dũng cảm cứu dân trong lũ dữ

Thứ ba - 15/02/2022 06:21
Không ngại khó khăn, nguy hiểm, anh Võ Trường An, Bí thư Đoàn xã An Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã cầm lái con thuyền nhôm cùng lực lượng cứu hộ len lỏi vào từng nhà dân, cứu sống hàng trăm người đang đối mặt với "thủy thần" trong cơn lũ dữ.
Bí thư Đoàn xã dũng cảm cứu dân trong lũ dữ

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước, anh Võ Trường An, Bí thư Đoàn xã An Thủy theo cha mẹ lái thuyền xuôi ngược dòng sông Kiến Giang để đánh cá mưu sinh rồi trở thành tay lái cừ khôi, thông thạo địa hình và con nước. Mỗi mùa lũ đến, chiếc thuyền đánh cá của gia đình anh trở thành phương tiện đi lại, giúp đỡ, hỗ trợ bà con. Từ kinh nghiệm của mình, Ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xã An Thủy tin tưởng giao cho anh cầm lái thuyền đi cứu dân trong trận lũ lịch sử vừa qua.

Đến ngày 18-10-2020, nước lũ lên nhanh, hàng trăm cuộc gọi của người dân cầu cứu khẩn cấp. Ngay lập tức, anh An cùng đồng chí Chủ tịch UBND xã và 2 đồng chí Công an xã lên đường đến vùng trũng thấp thôn Tân Lệ, Phú Thọ, Thạch Bàn, Lộc An phối hợp với các lực lượng khác di dời 11 hộ/34 người dân đến các nhà cao tầng.

 

Không ngại khó khăn, nguy hiểm, anh Võ Trường An, Bí thư Đoàn xã cùng lực lượng cứu hộ của xã An Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) xung phong lên đường cứu dân vùng lũ

 

Anh An nhớ lại: “Ngày hôm đó, lũ lên rất nhanh, mưa to và sóng đánh mạnh, nhiều lúc thuyền bị chao đảo khiến mấy anh em suýt rơi xuống nước. Sau mỗi lần như thế, chúng tôi trấn an, động viên nhau phải cố gắng hơn nữa vì có nhiều người dân đang cần cứu hộ. Mãi đến 22 giờ đêm, trời tối mịt, anh em đều đói và mệt lả mới về tới trụ sở làm việc của xã, ăn tạm gói mì tôm sống rồi chợp mắt”.

Ngày 19-10-2020, nước lũ trên sông Kiến Giang vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 hơn 1m khiến nhiều thôn, xóm bị cô lập. Trong khi đó, số lượng người dân kêu cứu rất nhiều. Khoảng 4 giờ sáng, mưa vẫn như trút nước, chiếc thuyền nhôm bị sóng đánh chìm xuống nước sâu chừng 3m.

Không chần chừ, người Bí thư Đoàn xã lột áo phao, đèn pin lặn xuống tìm thuyền. Sau vài lần ngụm lặn trong dòng nước rét buốt, anh cũng vớt được thuyền lên rồi lắp máy vào tiếp tục hành trình đi cứu dân. Với chiếc thuyền nhôm nhỏ này, anh An cùng các lực lượng cứu hộ xã đã luồn vào các nhà bị cô lập, di chuyển nhiều người dân đang chơi với trên mái nhà đến nơi an toàn.

Trong ngày đêm đó, anh An cùng đoàn cứu hộ đã tiếp cận di dời trên 60 người đến các vị trí an toàn, trong đó có nhiều người già, trẻ nhỏ và 4 người bị thương. Anh Trần Văn Thanh, thôn Phú Thọ, xã An Thủy kể lại: “Tôi đang cùng gia đình chạy lũ thì bị tai nạn gãy xương sườn. Lúc đó, tưởng mình sẽ nằm chờ chết thì may có anh An cùng lực lượng cứu hộ đến giúp đỡ”. Nhà anh Thanh ở ven làng, bị ngập rất sâu và sóng mạnh nên khó tiếp cận. Nhưng bằng kinh nghiệm và lòng dũng cảm của mình, anh An đã tìm cách vật lộn với từng con sóng gần 1 giờ đồng hồ để tiếp cận, đưa anh Thanh đi cấp cứu.

Anh Nguyễn Văn Do, ở thôn Phú Thọ kể: “Chiều ngày 19-10, nhà tôi bị lũ vây, ngập sâu khoảng 3,5m. Toàn bộ lương thực, đồ dùng trong nhà gần như bị lũ cuốn trôi. Vợ chồng tôi phải nhịn đói, nhịn khát 2 ngày và ở trên gác nhà, rất may có lực lượng cứu hộ của xã tiếp tế lương thực, nước uống kịp thời”.

Nhà anh Do không thể tiếp cận được bằng thuyền nhôm hoặc ca nô vì sóng quá to, xung quanh có nhiều cây cối và dây điện. Quyết tâm không để dân đói khát, anh An cùng lực lượng cứu hộ quyết định buộc dây vào người, nhảy xuống thuyền, bơi vào nhà anh Do để tiếp tế lương thực và nước uống.

Anh An chia sẻ: “Để cứu dân trong lũ, người lái thuyền phải hiểu biết về sông nước, địa hình, vị trí của từng khu vực dân cư. Trong quá trình đi lại, cần biết chỗ nào có vật cản nằm dưới nước để tránh. Khi đối đầu với những con sóng lớn không thể lướt qua, mình cần phải điều khiển thuyền theo chiều sóng để tránh va chạm, làm lật thuyền”.

Tính riêng những ngày lũ lớn, anh An và lực lượng cứu hộ của xã An Thủy đã cứu sống trên 100 người dân thoát khỏi "thủy thần". Công việc của các anh bắt đầu từ 4 giờ sáng đến đến 22 giờ đêm. Quá trình cứu hộ không để xảy ra sơ suất, ảnh hưởng đến sự an toàn của nhân dân.

Sau khi lũ bắt đầu rút, anh An cùng với lực lượng cứu hộ của xã An Thủy tiếp tục lái thuyền chở hàng cứu trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân vùng bị cô lập, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả.

Đồng chí Đặng Đại Bàng, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Trong đợt lũ vừa qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cứu dân và khắc phục hậu quả lũ lụt, trong đó có anh Võ Trường An, Bí thư Đoàn xã An Thủy. Hiện, Tỉnh đoàn đang xem xét tặng bằng khen cho anh, đồng thời đề xuất lên Trung ương Đoàn để khen thưởng một số tập thể, cá nhân có thành tích suất sắc trong việc cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt”…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây